Hội nghị triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các văn bản có liên quan

Chiều ngày 26/3/2024, UBND phường tổ chức Hội nghị triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các văn bản có liên quan.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Hải Đăng - Chủ tịch UBND phường triển khai 03 chuyên đề về quán triệt, phổ biến một số nội dung chính của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Nghị định số 59/2023/NĐ-CP, ngày 14/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Nghị định số 61/2023/NĐ-CP, ngày 16/8/2023 của Chính phủ quy định về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư. Trong đó, tập trung phổ biến những nội dung cơ bản và điểm mới của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và 02 văn bản quy định chi tiết Luật.

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023, gồm 6 chương, 91 điều quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở. Điểm nhấn của Luật là phát huy quyền làm chủ trực tiếp của Nhân dân.

Luật quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền kiểm tra, giám sát, kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện đối với các quyết định, hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền thụ hưởng của công dân về thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nghĩa vụ kịp thời phản ánh, kiến nghị, báo cáo cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Luật cũng quy định phạm vi thực hiện dân chủ đối với từng loại hình cơ sở; hình thức chế tài xử lý vi phạm đối với từng nhóm chủ thể và hành vi vi phạm.

 

Luật cụ thể hóa đầy đủ phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Trong đó quy định rõ những nội dung công khai để Nhân dân biết, Nhân dân tham gia ý kiến, Nhân dân kiểm tra, giám sát và Nhân dân thụ hưởng. Quy định cơ chế bảo đảm việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã, Ban công tác MTTQ ở thôn, tổ dân phố; vai trò, trách nhiệm của công đoàn, tổ chức đại diện người lao động ở cơ quan, tổ chức, đơn vị trong từng việc, từng bước, từng khâu thực hiện dân chủ một cách thống nhất, xuyên suốt. Là nền tảng chính trị, pháp lý quan trọng để Đảng và Nhà nước tiếp tục hoàn thiện đường lối, chính sách, pháp luật về dân chủ nói chung, dân chủ ở cơ sở nói riêng, từ đó góp phần hoàn thiện các thiết chế về dân chủ.

Nghị định số 59/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2023. Nghị định quy định cụ thể trình tự, nội dung có liên quan về tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư để Nhân dân bàn và quyết định; tổ chức phát phiếu lấy ý kiến của hộ gia đình để Nhân dân bàn và quyết định; biểu quyết trực tuyến tại thôn, tổ dân phố để Nhân dân bàn và quyết định; Công tác chuẩn bị bầu Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố; Tiến hành bầu Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố; Công nhận kết quả bầu cử; Quy trình cho thôi làm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố; Công tác chuẩn bị tổ chức hội nghị định kỳ; Trình tự tổ chức hội nghị định kỳ; Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân ở xã, phường, thị trấn; Tổ chức của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn; Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn; Phối hợp thực hiện hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn; Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; Tổ chức của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; Hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; Công tác phối hợp thực hiện hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng; tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị; tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở doanh nghiệp nhà nước,…

Qua Hội nghị giúp đại biểu có thêm các kiến thức, phương pháp thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, từ đó tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, triển khai thực hiện hiệu quả Luật trong thời gian tới. Đồng thời, làm tốt việc tuyên truyền để đông đảo Nhân dân nắm được, thực hiện tốt Luật, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh tại các địa phương


Thành phần tham dự có cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách, người lao động, một số cơ quan, đơn vị địa phương thống nhất nhận thức; làm cơ sở để triển khai thi hành Luật một cách hiệu quả.

Hoàng Hà
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tháng hiện tại: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập